Photography

Làm sao điều khiển Khẩu độ và Tốc độ màn trập trên máy ảnh PnS và Entry Level?


digital-cameras

Một độc giả của dPS – Susan – đã hỏi câu hỏi như thế này: “Darren, cảm ơn anh về những bài viết gần đây về khẩu độ và tốc độ màn trập, chúng rất thú vị. Nhưng tôi gặp một vấn đề là chiếc máy ảnh PnS(*) của tôi không cho phép chỉnh tay khẩu độ và tốc độ màn trập. Tôi thực sự muốn điều khiển nhiều hơn khẩu độ và độ sâu trường ảnh – có cách nào để tôi là việc này mà không phải nâng cấp chiếc máy ảnh của mình không?“.

Một câu hỏi thú vị. Không rõ ở thời điểm tôi dịch bài này thì cô Susan ấy đã tìm được một giải pháp cho mình hay chưa. Nếu bạn cũng như cô Susan ấy, thì hãy xem một vài gợi ý của Darren dưới đây nhé. Thật tiếc là độc giả của tôi không hỏi câu đó, có lẽ hầu hết mọi người đều đã mua được một chiếc máy ảnh tốt hơn của Susan rồi.

Nâng cấp máy ảnh của bạn

Lựa chọn đầu tiên có lẽ là lý tưởng nếu bạn thực sự muốn điều khiển khẩu độ và tốc độ màn trập, cũng như toàn bộ các cài đặt khác của chiếc máy ảnh. Mặc dù bạn có thể đánh lừa chiếc máy ảnh của mình (như dưới đây), nhưng bạn sẽ bị giới hạn về tính chính xác trong các cài đặt của máy ảnh.

Để nâng cấp, bạn có một vài lựa chọn như thế này: một chiếc máy ảnh DSLR, một chiếc máy ảnh Mirrorless hoặc thậm chí là một chiếc PnS khác mà cho phép bạn điều chỉnh các thông số khẩu độ và tốc độ màn trập (Hiện tại thì tôi đang sử dụng một chiếc PnS như vậy – Panasonic Lumix DMC-LX3).

3qtr-001
Panasonic Lumix DMC-LX3

Nếu sau khi bạn đã hiểu rõ các kiến thức về khẩu độ/tốc độ màn trập/ISO/độ sâu trường ảnh, bạn nên lựa chọn một chiếc DSLR. Nó sẽ cho phép bạn sử dụng nhiều ống kính khác nhau (lens), chụp với chế độ thủ công hoàn toàn (trong nhiều trường hợp), và có thể điều khiển nhiều thông số khác như ISO, cân bằng trắng (white balance – WB), v.v…

Nếu bạn ưa sự gọn nhẹ, mà vẫn muốn những khả năng của một chiếc DSLR, thì hãy cân nhắc một chiếc máy ảnh không gương lật (Mirrorless), dĩ nhiên bạn sẽ phải hi sinh kích thước cảm biến máy ảnh, giới hạn về lens, thời lượng pin, v.v… (hình như ở thời điểm tôi dịch bài này thì những nhược điểm như vậy cũng khắc phục được hầu hết rồi thì phải).

Cuối cùng, bạn vẫn có thể lựa chọn một chiếc PnS khác chuyên nghiệp hơn. Ngày nay, có nhiều máy ảnh PnS cho phép chụp ở chế độ thủ công hoặc bán thủ công (ví dụ như chế độ ưu tiên Khẩu độ, ưu tiên Tốc độ màn trập).

Dĩ nhiên, mọi sự lựa chọn đều phải cân nhắc dựa trên khả năng chi trả của bạn nữa.

Tập cách sống chung với PnS

Theo như lựa chọn cuối cùng ở trên, chúng ta sẽ phải học cách sống chung với chiếc máy ảnh PnS. Hầu hết máy ảnh PnS được thiết kế để chụp ở chế độ tự động hoàn toàn, người sử dụng sẽ không cần quan tâm nhiều đến các yếu tố cài đặt, việc đó đã có máy tự làm.

Tuy nhiên, thậm chí ngay cả những chiếc máy ảnh ở mức cơ bản nhất cũng có những chế độ chụp ảnh mà cho phép người chụp ảnh lựa chọn để phù hợp với hoàn cảnh chụp, cũng như loại ảnh mà người chụp muốn. Những chế độ cơ bản thường có: ‘Sport’ (chụp thể thao), ‘Portrait’ (chụp chân dung), ‘Landscape’ (chụp phong cảnh), ‘Macro’ (chụp macro), ‘Movie’ (quay phim).

Hiểu và sử dụng những chế độ này cho phép có thể kiểm soát nhiều hơn (một chút) khẩu độ và tốc độ màn trập, cũng như mỗi yếu tố đó sẽ tác động khác nhau lên cài đặt của máy ảnh.

Trở lại câu hỏi của Susan, cô ấy muốn kiểm soát nhiều hơn Khẩu độ và Độ sâu trường ảnh (sau đây tôi sẽ dùng từ viết tắt trong tiếng Anh là DOF), vậy thì, cô ấy  (hoặc các bạn) nên dùng hai chế độ này: ‘Portrait’ và ‘Landscape’.

  • Nếu bạn muốn DOF mỏng (ví dụ tiền cảnh và hậu cảnh mờ), thì chụp ở chế độ Portrait khiến máy ảnh lựa chọn khẩu độ lớn.
  • Nếu bạn muốn DOF dầy (mọi thứ đều được focus), thì nên lựa chọn chế độ Landscape. Ở chế độ này, máy ảnh sẽ lựa chọn khẩu độ bé.
  • Nếu bạn muốn chụp ở tốc độ cao, bạn nên lựa chọn chế độ Sport. Trong chế độ này, nó sẽ đóng băng các chuyển động nhanh.
  • Nếu bạn muốn chụp ở tốc độ chậm, sẽ có một chút khó khăn là hầu hết máy ảnh đều không có một chế độ tự động nào làm điều này một cách tự nhiên. Bạn có thể sử dụng chế độ ‘Night’ (nếu có). Tuy nhiên ở chế độ này thì đèn flash sẽ được kích hoạt. Che nó lại, và xem điều gì sẽ xảy ra nhé.

Tất nhiên là những chế độ này chỉ cho phép bạn kiểm soát phần nào cài đặt của máy ảnh, chứ bạn không biết được chính xác những gì sẽ được thiết lập. Nếu bạn vẫn khao khát kiểm soát nhiều hơn nữa, thì hãy lên kế hoạch tiết kiệm cho chiếc máy ảnh sắp tới của mình!

Hoàng Hải (dịch)

*Máy ảnh PnS là một từ viết tắt của máy ảnh Point-and-Shoot (Point-and-shoot camera), còn được gọi là máy ảnh du lịch. Chỉ cần đưa máy lên, chọn chủ thể và bấm, vậy là bạn có một tấm ảnh.

 

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.