Photography

[Nhiếp ảnh cơ bản] Tìm hiểu về Tốc độ màn trập (Shutter Speed)


Flying Kiss 14 by Marco Redaelli on 500px.com
Flying Kiss 14 by Marco Redaelli on 500px

Trong một bài trước đây, tôi đã giới thiệu với các bạn về Tam giác phơi sáng (Exposure Triangle) như là một cách để thoát khỏi chế độ tự động nhàm chán, và trải nghiệm cảm giác tự mình điều chỉnh độ phơi sáng của bức ảnh của bạn.

Ba yếu tố chính mà bạn có thể điều chỉnh ở đây là ISO (mà tôi đã giới thiệu ở bài trước), Khẩu độ (Aperture) và Tốc độ màn trập (Shutter Speed). Hôm nay, tôi sẽ giới thiệu với các bạn về Tốc độ màn trập(*).

Tốc độ màn trập là gì?

Như tôi đã viết trong một bài nào đó (?), định nghĩa đơn giản nhất về Tốc độ màn trập là lượng thời gian mà màn trập máy ảnh được mở.
Trong nhiếp ảnh film, đó là độ dài thời gian mà film được phơi sáng trước cảnh vật mà bạn đang chụp, và điều đó cũng tương tự trong máy ảnh số, là độ dài thời gian mà cảm biến máy ảnh ‘nhìn thấy’ cảnh vật mà bạn đang cố gắng chụp.

Tôi sẽ chia nhỏ vấn đề hơn nữa để bạn có thể hiểu hơn về Tốc độ màn trập:

  • Tốc độ màn trập được đo bằng giây – hoặc trong nhiều trường hợp là phần giây. Mẫu số càng lớn, thì có nghĩa là tốc độ càng nhanh. Ví dụ: 1/1000 sẽ nhanh hơn 1/30.
  • Trong nhiều trường hợp, bạn hầu như sẽ sử dụng tốc độ màn trập ở mức 1/60 giây hoặc nhanh hơn. Điều này là bởi vì, bất cứ tốc độ nào thấp hơn tốc độ này, thì hầu như rất khó tránh khỏi ảnh hưởng của việc rung lắc máy ảnh. Máy ảnh rung là việc nó bị di chuyển trong khi màn trập đang mở, và kết quả là sẽ gây ra hiện tượng mờ trên tấm ảnh được chụp.
  • Nếu bạn cài đặt tốc độ màn trập chậm (bất cứ cài đặt nào mà chậm hơn 1/60 giây), bạn sẽ cần đến một cái tripod, hoặc bất cứ cách nào để ổn định hình ảnh (ngày nay, có rất nhiều máy ảnh đã có tính năng này bên trong).
  • Tốc độ màn trập trên máy ảnh của bạn thường là ‘gấp đôi’ (ước tính) với mỗi giá trị. Kết quả là, bạn thường sẽ có các tùy chọn cho tốc độ màn trập sau: 1/500, 1/250, 1/125, 1/60, 1/30, 1/15, 1/8, v.v… Việc ‘gấp đôi’ ở đây là một cách thuận tiện để ghi nhớ rằng cài đặt khẩu độ cũng gấp đôi lượng ánh sáng đi vào – kết quả là tăng tốc độ màn trập một ‘stop’ và giảm khẩu độ một ‘stop’ sẽ cho bạn cùng mức phơi sáng như nhau (chúng ta sẽ nói rõ hơn ở những bài sau).
  • Một số máy ảnh cho bạn lựa chọn chụp ở tốc độ rất chậm mà không chỉ là một phần giây nữa, mà đo bằng giây (ví dụ, 1 giây, 10 giây, 30 giây, v.v…). Những giá trị này sẽ được dùng trong hoàn cảnh cực kỳ thiếu sáng, hoặc cũng có thể là nhằm mục đích tạo một hiệu ứng nghệ thuật nào đó, ví dụ như chụp tất cả các chuyển động trong một tấm hình. Một số máy ảnh cho phép bạn chụp trong chế độ ‘B’ (hoặc ‘Bulb’). Chế độ này sẽ cho phép cửa màn trập được mở cho đến khi bạn kéo nó xuống.
  • Khi cân nhắc tốc độ màn trập được sử dụng trong tấm ảnh mà bạn sẽ chụp, bạn nên tự hỏi bản thân rằng liệu có cái gì trong cảnh vật đang chuyển động, và bạn muốn chụp sự chuyển động đó như thế nào. Nếu có sự chuyển động trong cảnh vật, bạn sẽ có lựa chọn đóng băng nó (nó nhìn như đứng yên) hoặc cố tình làm mờ chủ thể chuyển động (cho cảm giác chuyển động).
  • Để đóng băng chuyển động trong một bức ảnh (giống như bức ảnh trên đầu bài và ở ngay dưới đây) bạn cần chọn tốc độ màn trập nhanh, và để chuyển động mờ, bạn cần chọn tốc độ màn trập chậm lại. Tốc độ thực tế mà bạn sẽ chọn phụ thuộc vào tốc độ chuyển động thực tế của chủ thể hoặc bạn muốn làm mờ ở mức nào.

Một ví dụ trực quan trong bức ảnh về cái chong chóng dưới đây, bạn sẽ thấy được ảnh hưởng của tốc độ màn trập lên việc đóng băng chuyển động của chủ thể như thế nào.

1865711_orig
Từ trái qua, tốc độ màn trập tăng từ chậm đến nhanh

Trở lại với bức ảnh chụp chim ở đầu bài, tốc độ màn trập là 1/1250 của giây, nó đóng băng việc vỗ cánh của hai con chim trong một khoảng thời gian ngắn. Trong bức ảnh lướt sóng dưới đây có tốc độ màn trập là 1/4000 một giây, chụp cả những giọt nước đang bắn tung tóe.

Ben #3
By Peter Orelup
  • Chuyển động không phải lúc nào cũng tồi. Tôi đã nói chuyện với một người sở hữu máy ảnh vào tuần trước, người này đã nói với tôi rằng anh ấy luôn sử dụng tốc độ chụp nhanh, và không hiểu tại sao nhiều người lại thích chuyển động trong bức ảnh của họ. Có những lúc chuyển động sẽ tốt. Ví dụ, khi bạn chụp một thác nước hoặc cảnh biển và muốn thể hiện dòng nước đang chảy, hoặc khi bạn chụp một chiếc xe đua, và muốn người xem có cảm giác nó đang chuyển động nhanh, hoặc khi bạn chụp bức ảnh trời sao, và muốn thể hiện các ngôi sao đang di chuyển theo quỹ đạo của nó. Trong những tình huống thế này, bạn nên để tốc độ màn trập ở mức thấp. Tuy nhiên, bạn cần phải có một cái tripod và cố gắng hạn chế tác động vào chiếc máy ảnh của bạn (nó sẽ làm hỏng bức ảnh của bạn, thay vì được làm mờ theo ý đồ ban đầu).

Trong ví dụ về ảnh chụp cảnh biển dưới đây, tốc độ màn trập là 1/3 giây, vì vậy chúng ta có thể cảm nhận được chuyển động của nước biển.

Morning Glow by Joshua Zhang on 500px.com
Morning Glow by Joshua Zhang on 500px

Trong ảnh chụp tàu điện ngầm dưới đây, tốc độ màn trập là 1 giây, bởi vậy chuyển động của tàu điện ở hai bên chủ thể được làm mờ một cách huyền ảo.

 

Clan Destine by Joe Plasmatico on 500px.com
Clan Destine by Joe Plasmatico on 500px

  • Chiều dài tiêu cự (focal length) và tốc độ màn trập – một yếu tố khác cũng cần phải cân nhắc khi lựa chọn tốc độ màn trập là chiều dài tiêu cự của ống kính (lens) mà bạn đang sử dụng. Độ dài tiêu cự càng lớn thì sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến việc rung lắc của máy ảnh, và do đó bạn cần phải chọn tốc độ màn trập cao hơn (trừ khi trong ống kính hoặc máy ảnh có bộ ổn định hình ảnh – image stabilization). Quy tắc ngón tay cái được sử dụng với chiều dài tiêu cự (trong trường hợp bạn không có bộ ổn định hình ảnh) là lựa chọn tốc độ màn trập có mẫu số lớn hơn chiều dài tiêu cự của ống kính. Ví dụ, nếu bạn có một ống kính với độ dài tiêu cự là 50mm, thì chọn 1/60 giây sẽ phù hợp, còn nếu độ dài tiêu cự là 200mm thì bạn nên chọn tốc độ vào khoảng 1/250 giây.

Hãy kết hợp mọi thứ cùng nhau

Hãy nhớ rằng, khi suy nghĩ về tốc độ màn trập mà bạn cô lập nó với 2 yếu tố còn lại trong Tam giác phơi sáng thì thực sự không phải là một ý kiến tốt. Một khi bạn thay đổi tốc độ màn trập, bạn cũng cần phải thay đổi một hoặc cả hai yếu tố còn lại.
Ví dụ, nếu bạn tăng tốc độ màn trập lên một stop (ví dụ từ 1/125 giây lên 1/250 giây) thì bạn đang giảm một nửa lượng sáng đi vào cảm biến máy ảnh. Để bù đắp lại điều này, bạn cần tăng khẩu độ lên 1 stop (ví dụ từ f16 lên f11). Một cách khác là bạn chọn một mức ISO cao hơn (có thể là từ 100 đến 400 chẳng hạn).
Trong bài viết sắp tới, tôi sẽ nói rõ hơn yếu tố còn lại trong Tam giác phơi sáng – Khẩu độ.

hoanghainh (dịch)

*Dịch từ bài viết “Introduction to Shutter Speed in Digital Photography” của tác giả Darren Rowse. Để xem nội dung trong bài gốc, hãy truy cập liên kết dưới đây:

http://digital-photography-school.com/shutter-speed/

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.